Sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi cá chình: Góp phần giảm giá thành sản phẩm
Ngày cập nhật: 19-3-2019
Thạc sĩ Hoàng Văn Duật (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III) và các cộng sự vừa thực hiện thành công dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi cá chình”. Kết quả của dự án đã bổ sung thêm công nghệ mới, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương để sản xuất thức ăn cho cá chình, góp phần giảm giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy nghề nuôi cá chình phát triển theo hướng bền vững.
Một thành viên của nhóm nghiên cứu cho cá chình ăn bằng thức ăn công nghiệp. |
Những năm gần đây, nghề nuôi cá chình ở nước ta phát triển nhanh chóng với gần 40 tỉnh, thành có người nuôi cá chình. Tuy nhiên, công nghệ còn lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thức ăn cho cá chình vẫn chủ yếu sử dụng cá tạp, vì vậy khó kiểm soát môi trường, dịch bệnh, năng suất và hiệu quả thấp. Thực tế, đã có một số cơ sở nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp cho cá chình, nhưng còn phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài, giá thành cao.
Nhằm giúp nghề nuôi cá chình nước ta phát triển bền vững, cuối năm 2015, Bộ Công Thương đã giao cho Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III chủ trì thực hiện dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi cá chình”. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, nhóm đã nghiên cứu thành công mô hình thiết bị dây chuyền sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi cá chình năng suất 500kg/giờ. Thạc sĩ Hoàng Văn Duật cho biết, việc ương giống cá chình cho ăn thức ăn của dự án, tốc độ tăng trưởng đạt 0,68g/ngày, tỷ lệ sống 95,82%; nuôi thương phẩm đạt 3,32g/ngày, tỷ lệ sống 94,73%. Tổng vốn đầu tư mô hình dây chuyền sản xuất hơn 15 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư xây dụng nhà xưởng, mua sắm dây chuyền sản xuất thức ăn 4,5 tỷ đồng, vốn đầu tư sản xuất hơn 10,5 tỷ đồng. Sản phẩm đạt 1.000 tấn/năm (200 tấn cho cá chình giống và 800 tấn cho cá chình thương phẩm); giá thành khoảng 44,2 triệu đồng/tấn thức ăn cho cá giống, 40 triệu đồng/tấn thức ăn cho cá thương phẩm, thấp hơn thức ăn nhập ngoại từ Trung Quốc 25% (55 và 50 triệu đồng/tấn); giá bán sản phẩm thức ăn cá giống khoảng 48,7 triệu đồng/tấn và cá thương phẩm 44 triệu đồng/tấn. Doanh thu đạt hơn 4 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 10% trên chi phí, thời gian hoàn vốn khoảng 40 tháng.
Công nghệ của dự án sẽ giúp các doanh nghiệp áp dụng để sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi cá chình, cung cấp cho người nuôi, giảm sự phụ thuộc vào nguồn thức ăn nhập khẩu. Đồng thời, tận dụng được nguyên liệu sẵn có ở địa phương để sản xuất thức ăn cho cá chình, góp phần giảm giá thành, tăng hiệu quả sản xuất, tạo đà phát triển vững chắc cho nghề nuôi cá chình của nước ta. Đặc biệt, việc sử dụng thức ăn công nghiệp nuôi cá chình sẽ tác động tích cực đến môi trường, hạn chế đánh bắt, khai thác cá nhỏ, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Bởi, để có 10.000 tấn cá chình/năm thì cần khoảng 100.000 tấn cá tạp, nhu cầu về lượng cá tạp khai thác để cung cấp rất lớn.
Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Vạn Xuân (có trang trại chuyên nuôi cá chình tại xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) là đơn vị đầu tiên ứng dụng kết quả nghiên cứu của dự án để sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi cá chình. Sau khi công ty ứng dụng thành công, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng trang trại nuôi cá chình, có nhu cầu tiếp nhận công nghệ của dự án để xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn quy mô trang trại như: Công ty Cổ phần Khoáng sản Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa); Công ty TNHH Dịch vụ Kim Long Việt Nam (tỉnh Quảng Bình), Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Phú Yên (tỉnh Phú Yên), Công ty Cổ phần Việt Tam Nông (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Công ty TNHH Thành Công MSM (tỉnh An Giang)... Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã lập tờ khai đăng ký sáng chế gửi Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ để đăng ký quyền sở hữu công nghiệp công thức thức ăn cho cá chình và quy trình sản xuất thức ăn. Hiên nay, sáng chế đã được chấp nhận đơn hợp lệ và đang trong thời gian thẩm định nội dung.
Nguyên liệu sử dụng để sản xuất thức ăn cho cá chình chủ yếu: bột trùn quế, bột cá Kiên Giang, bột phụ phẩm cá đông lạnh sấy khô, bột gluten lúa mì; cám gạo trích ly, bột khoai mì biến tính và bột bắp biến tính; dầu cá ngừ và dầu đậu nành; khoáng, vitamin tổng hợp, chất phụ gia, Enzym Feed... Thức ăn có kích thước nhỏ (độ mịn cao), tương đương với kích thước hạt thức ăn cho cá chình nhập khẩu từ Trung Quốc. Hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn đạt theo yêu cầu của dự án, không làm ảnh hưởng tác động xấu đến môi trường.
Nguồn: Báo Khánh Hòa
Các tin khác cùng chủ đề
- MÔ HÌNH NUÔI CÁ CHÌNH HOA (Anguilla marmorata) THƯƠNG PHẨM TRONG BỂ XI MĂNG TẠI TỈNH BÌNH ĐỊNH(20-12-2024)
- MÔ HÌNH NUÔI CÁ CHÌNH HOA (Anguilla marmorata) THƯƠNG PHẨM TRONG BỂ XI MĂNG TẠI TỈNH KHÁNH HOÀ(20-12-2024)
- Tôn vinh 112 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019(12-11-2019)
- Hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi cá chình(20-9-2019)
- Mô hình nuôi cá chình trong hệ thống RAS (4-9-2019)
- kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Nha Trang(11-10-2019)