QUI TRÌNH NUÔI THƯƠNG PHẨM CÁ CHÌNH HOA (ANGUILLA MARMORATA) TRONG HỆ THỐNG TUẦN HOÀN KÍN, BỔ SUNG OXY NGUYÊN CHẤT (P1)
Ngày cập nhật: 23-3-2018

QUI TRÌNH NUÔI THƯƠNG PHẨM CÁ CHÌNH HOA (ANGUILLA MARMORATA) TRONG HỆ THỐNG TUẦN HOÀN KÍN, BỔ SUNG OXY NGUYÊN CHẤT

MỤC ĐÍCH

Xây dựng quy trình công nghệ với các bước cụ thể thực hiện trong quá trình nuôi thương phẩm cá chình hoa công nghiệp trong hệ thống tuần hoàn kín, bổ sung oxy nguyên chất, tỉ lệ sống 80%, năng suất 50kg/m3, cỡ cá thu hoạch 2 kg/con, công suất 30 tấn/năm, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

PHẠM VI ÁP DỤNG

Quy trình này có thể áp dụng cho các các doanh nghiệp nuôi cá chình hoa công nghiệp trong hệ thống tuần hoàn kín, bổ sung oxy nguyên chất tại Việt Nam.

ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

          Đối tượng nuôi là cá chình hoa (Anguilla marmorata) từ giống cấp II, kích cỡ 50g/con lên 2.000 g/con.

QUY TRÌNH CÔNG NGHỆ

Chuẩn bị công trình thiết bị và môi trường nước nuôi

Chọn địa điểm xây dựng

Yêu cầu về nước: Có nguồn nước cấp thuận lợi, đảm bảo trong sạch, đủ lượng cung cấp khoảng 500 m3/ngày, không bị cạn vào mùa khô và không bị lũ lụt vào mùa mưa, không ô nhiễm, pH từ 6,5 - 8,5; nhiệt độ 26-300C, DO >5 mg/L, tốt nhất là có nguồn nước ngầm hoặc nước giếng.

Vị trí: Địa hình bằng phẳng, xa khu dân cư, có diện tích trên 7.000m2– 10.000m2,

Môi trường xung quanh: Yên tĩnh, ít tiếng động và ồn ào, xa nhà máy xả nước thải, tránh nguồn nước ô nhiễm,

Giao thông thuận lợi, để vận chuyển, thu mua, xuất bán sản phẩm được kịp thời,

Nguồn điện: có nguồn điện lưới 3 pha, công suất trên 100 kVA,

Xây dựng bể nuôi thương phẩm

Bể nuôi có tổng diện tích 2.000 m2- 3.000 m2, mỗi bể diện tích 50 – 100 m2, xây bằng gạch láng xi măng hoặc composite, được bố trí trong nhà có mái che, bể hình tròn hoặc vuông, đáy bằng phẳng, dốc về phía lỗ thoát nước ở giữa bể, các góc được bo tròn. Mặt trong bể và đáy láng bóng, không thoát nước.

Hệ thống cung cấp điện

Hệ thống cung cấp điện đảm bảo an toàn, đồng bộ bao gồm:

Điện lưới 3 pha, máy phát điện dự phòng chất lượng tốt, công suất trên 100 KVA, hệ thống báo động khi có sự cố mất điện, tự động phát điện khi điện lưới bị cắt.

Hệ thống dây điện đảm bảo an toàn không bị oxy hóa trong điều kiện độ ẩm cao

Các máy móc sử dụng điện phải có thiết bị an toàn: cầu giao, cầu chì, aptomat

Hệ thống cấp

Hệ thống cấp nướcgồm bể chứa xử lý nước cấp thể tích 500-1.000 m3, máy bơm nước, ống dẫn nước, van khoá nước v.v. Sử dụng 2-4 máy bơm nước công suất 3-5 kW.

Hệ thống lọc sinh học

Hệ thống lọc sinh học tuần hoàn gồm bể lọc có thể tích 20% bể nuôi, chia làm 5 ngăn, đầu tiên là ngăn chứa lắng để thu chất thải rắn, tiếp đến là 3 ngăn chứa giá thể, cuối cùng là ngăn chứa nước sau khi lọc. Giá thể có thể sử dụng bằng hạt nhựa, xơ dừa, san hô v.v. Bể lọc tuần hoàn được thiết kế riêng cho mỗi bể nuôi để tránh sự lây lan dịch bệnh xảy ra. Bể nuôi và bể lọc tuần hoàn thông nhau bằng ống nhựa PVC đường kính 114mm, nối từ trung tâm bể nuôi đến ngăn chứa lắng của bể lọc tuần hoàn.Hệ thống bao gồm lắng ly tâm sau bể nuôi và hệ thống lọc sinh học. Bể lắng ly tâm được thiết kế bằng bể xi măng, hình tròn, có đường kính 3,5m, thể tích 10m3, đáy bể có độ dốc gom vào giữa. Dòng nước đi ra từ bể nuôi được đặt một góc 450 so với thành bể, tạo dòng chảy gom chất thải vào giữa bể lắng.Hệ thống lọc sinh học được thiết kế hình chữ nhật có kích thước 5m x 20m, được chia thành 7 ô nối liền nhau trong đó có 4ô kích thước 5m x 1,5m chứa giá thể san hô làm giá thể cho vi sinh vật phát triển, một ô chứa lọc cát, một ô chứa nước sau lọc, 1 ô lắng sau bể lọc san hô thứ nhất.

Hệ thống thoát nước

Hệ thống thoát nước gồm hố ga, cống siphon đáy, mương thoát nước, ao chứa và xử lý nước thải:

Miệng ống nước thải: đặt chính giữa bể, là nơi thoát nước thải, phân, thức ăn thừa cũng như xác chết của sinh vật, chiếm 2% diện tích của bể nuôi, có thể hình vuông, hộp, trụ.

Ống thoát nước thải: Là đường thông nhau giữa miệng ống nước thải ra bên ngoài, thường dùng ống nhựa, kích thước của ống 90-160mm.

Miệng ống thoát nước hướng lên phía trên nằm bên ngoài bể ương, ống chắn nước có kích thước cùng với miệng ống để có thể lắp vào hoặc rút ra được, khi rút ra thì mực nước bên ngoài thấp hơn trong ao, chất bẩn thông qua ống và ra ngoài, khi cắm vào thì ống cao hơn nước trong bể nên nước không tràn ra ngoài, ống thấp hơn thành bể 15 cm, khi nước trong bể cao hơn ống thì nước tự chảy ra ngoài.

Cống thoát nước: miệng cống thoát nước lắp một bên thành bể, chú ý không được lắp gần sàng cho ăn, miệng cống thoát 30-40 cm

Hệ thống cung cấp khí

Bình chứa oxy lỏng, thể tích chứa 10m3 – 15m3, hệ thống van, đồng hồ báo các thông số kỹ thuật, hệ thống hóa hơi, ống dẫn khí đến máy trộn. đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Mỗi bể nuôi trang bị 1 bộ trộn khí gồm 1 máy bơm công suất 1,0-1,5 kW, 1 máy trộn khí oxy nguyên chất vào nước, ống dẫn nước vào bể v.v. và 1 bộ dự phòng, đảm bảo hoạt động tốt trong suốt quá trình nuôi.

Các trang thiết bị cần thiết khác

Máy trộn thức ăn tổng hợp để pha trộn thức ăn cho cá,

Sàng cho cá ăn có cấu tạo hình chữ nhật, kích thước 2,5m x 1,5m x 0,5m, có cáckhe hở được chắn bằng lưới nhựa hoặc inox, kích thước khe hở thích hợp để cá có thể bơi qua lọt và vào bắt mồi, nhưng vẫn giữ được thức ăn không trôi ra ngoài , giữa sàng ăn có lắp một bóng đèn cách mặt nước 20-30cm, công suất của bóng đèn là 1W cho 10m2, phía trên bóng đèn được che kín bằng chụp đèn tạo vùng ánh sáng tập trung ở sàng ăn.

Sàng cho cá nghỉ có cấu tạo giống sàng ăn, đặt gần sát đáy bể cho cá nghỉ

Các dụng cụ như giai giữ cá, rổ lọc cá, xô, chậu, cân, thước, vợt, kính hiển vi v.v.

Thiết bị xác định môi trường nuôi: pH, Kiềm, NH3, O2, nhiệt độ v.v.

Chuẩn bị  bể và nước

Bể mới xây dựng: Cần tẩy rửa bằng phèn chua với nồng độ 0,1- 0,3 kg/m3, ngâm 5 -7 ngày hoặc ngâm cây chuối hay cây dừa nước. Xả hết nước chà và rửa sạch bằng xà bông. Trước khi thả giống dùng thuốc tím, liều lượng 2 g/m3 nước tạt đều khắp bể để khử trùng, sau đó chà rửa sạch lại bằng xà bông.

Bể cũ: dùng chlorine 50 – 100 g/L nước tạt khắp bể, sau 5-10 ngày thì tiến hành rửa sạch bể. Trước khi thả giống 7 ngày, dùng thuốc tím, liều lượng 2 g/m3 nước tạt đều khắp bể để khử trùng, sau đó chà rửa sạch lại bằng xà bông.

Cấp nước từ bể chứa đã qua lọc để loại bỏ các chất vẩn hữu cơ, sinh vật hại cá. Mực nước cấp cao 0,8- 1,0m.

Kiểm tra thành bể và miệng ống thoát nước, không có nứt và rò rỉ nước. Nếu bị nứt hoặc rò rỉ thì phải có biện pháp khắc phục ngay.

Lắp ráp các trang thiết bị: máy trộn khí, sàng ăn, sàng nghỉ, hệ thống đèn chiếu sáng v.v.

Lắp đặt hệ thống bể lọc sinh học tuần hoàn.

Vận hành hệ thống tuần hoàn, kiểm tra các chỉ số môi trường như nhiệt độ, pH, NH3, N02, oxy phải đảm bảo trong phạm vi cho phép, trước khi thả giống 1-2 tuần.

Chat

KINH DOANH

 0913 925 914 - Ms Phượng

KỸ THUẬT

 0949 097 808 - Mr Khang