MÔ HÌNH NUÔI CÁ CHÌNH HOA (Anguilla marmorata) THƯƠNG PHẨM TRONG BỂ XI MĂNG TẠI TỈNH BÌNH ĐỊNH
Ngày cập nhật: 20-12-2024

Cá chình hoa (Anguilla marmorata) là loài cá sinh trưởng và phát triển ở môi trường nước ngọt nhưng đẻ trứng ngoài biển khơi, là đối tượng nuôi thuỷ sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi cá chình hoa thương phẩm trong bể xi măng đơn giản, dễ thực hiện, chi phí đầu tư vừa phải phù hợp với điều kiện của nhiều hộ nông dân trên khắp cá nước. Do vậy mô hình rất cần được phát triển mở rộng, tăng cường quảng bá, nhân rộng giúp nghề nuôi cá chình nói riêng và nghề nuôi thuỷ sản nước ngọt nói chung ngày càng phát triển bền vững.

Hình 1: Cá chình hoa (Anguilla marmorata) thương phẩm

Hiện nay nguồn con giống cá chình chủ yếu được thu vợt từ tự nhiên, số lượng hạn chế. Việt Nam có nguồn giống cá chình bột (cá chình bạch tử) ở các tỉnh miền Trung như Bình Định, Phú Yên…, sản lượng cung cấp khoảng 5 - 10 triệu con/năm. Với điều kiện tự nhiên như khí hậu, thời tiết, nguồn nước rất thuận lợi, nước ta có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nghề nuôi cá chình thương phẩm.

Được sự đồng ý của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và với mục tiêu để phát triển nghề nuôi cá chình mang lại hiệu quả kinh tế cao, Công ty TNHH Nuôi trồng thuỷ sản Vạn Xuân đã chủ trì thực hiện dự án: “Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá chình hoa (Anguilla marmorata) đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao ở một số tỉnh miền Trung” thực hiện từ năm 2024 - 2026 tại 03 tỉnh miền Trung gồm Khánh Hoà, Bình Định và Phú Yên.

Trong năm 2024, qua quá trình khảo sát, nghiên cứu lựa chọn, dự án đã xây dựng mô hình nuôi cá chình hoa thương phẩm trong bể xi măng tại tỉnh Bình Định với 2 điểm: hộ dân ông Nguyễn Đình Trọng - Xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, quy mô 450 m3 và hộ dân ông Võ Thành Phúc - Xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, quy mô 250 m3.

Ngày 31/10/2024, dự án đã tiến hành thả cá với số lượng 9.375 con cá chình hoa giống kích cỡ 50 gam/con (20 con/kg). Cá chình hoa giống có màu sắc tươi sáng, kích cỡ đồng đều; cá khoẻ mạnh, da không bị trầy xước, không có dấu hiệu bệnh lý, không bị dị tật, dị hình, bơi lội nhanh chóng sau khi thả nuôi. Cá giống đã được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thuỷ sản vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.

Nguồn kinh phí con giống, thức ăn được Ngân sách nhà nước hỗ trợ 50%, các hộ dân đối ứng 50%. Các chi phí nguyên vật liệu khác được nhà nước hỗ trợ một phần.

Mô hình tại hộ dân ông Nguyễn Đình Trọng (Xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) với quy mô 450 m3 nước, nuôi giai đoạn 1 thể tích 80 m3, mật độ thả 75 con/m3, số lượng cá thả 6.000 con.

Hình 2: Thả cá chình hoa giống tại hộ dân Nguyễn Đình Trọng - Xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định

Mô hình tại hộ dân ông Võ Thành Phúc (Xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) với quy mô 250 m3 nước nuôi cá chình, nuôi giai đoạn 1 với thể tích 45 m3, mật độ thả 75 con/m3, số lượng cá thả 3.375 con.

Hình 3: Thả cá chình hoa giống tại hộ dân Võ Thành Phúc - Xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định

Sau thời gian thả nuôi, cá chình sinh trưởng và phát triển tốt. Dự kiến thời gian nuôi của mô hình từ 12 - 15 tháng (3 giai đoạn, mỗi giai đoạn 4-5 tháng). Kích cỡ cá thu dự kiến 1,2 kg/con, năng suất thu ≥ 12 kg/m3. Các mô hình đang tiếp tục triển khai ương nuôi, chăm sóc cá theo quy trình kỹ thuật nuôi cá chình hoa thương phẩm trong bể xi măng của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III. Dự án cũng đang xây dựng chuỗi liên kết giữa các cơ sở cung cấp vật tư đầu vào (con giống, thức ăn) và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo sản phẩm tiêu thụ trong chuỗi đạt ≥ 90%, giải quyết đầu ra sản phẩm cho các hộ dân yên tâm trong quá trình ương nuôi.

Kết quả triển khai bước đầu của dự án cho thấy mô hình nuôi cá chình hoa trong bể xi măng tại tỉnh Bình Định có nhiều tiềm năng để phát triển, được nhiều người quan tâm và được đánh giá cao, rất có tiềm năng, triển vọng nhân rộng, phát triển trong thời gian tới.

Chat

KINH DOANH

 0913 925 914 - Ms Phượng

KỸ THUẬT

 0949 097 808 - Mr Khang